Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh tuần qua

2021-11-28 21:28:00.0

 

* Ngày 11/11/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 159/BCH-CNN&XD về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại mùa đông năm 2021 - 2022.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, thị xã; các Sở, ban, ngành chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung vào các nội dung chính sau:

- Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền cấp xã, người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa biết để chủ động phòng, chống.

- Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, người khuyết tật, trẻ nhỏ, học sinh,…; hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh, không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ khô nền, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; tuyên truyền vận động người dân không chăn thả gia súc tự do, đưa về nơi nuôi nhốt có kiểm soát khi nhiệt độ ngoài trời dưới 130C; chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

- Tham khảo tài liệu hướng dẫn, truyền thông trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (http://phongchongthientai.mard.gov.vn-/Pages/Ret-hai-suong-muoi.aspx).

- Chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ Phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để thực hiện các hoạt động phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí cho người dân, nhất là gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như: gia cố, che chắn, vệ sinh chuồng trại; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vắc xin phòng bệnh, khôi phục sản xuất,…

 

* Ngày 11/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 5564/UBND-TH về việc chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Ðể nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản:

- Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng; việc lập, thẩm định thiết kế - dự toán phải đảm bảo đầy đủ, đúng yêu cầu kỹ thuật về định mức, khối lượng, đơn giá và phù hợp với thực tế, tính đồng nhất giữa các công trình tương tự... Chỉ thực hiện trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khi có nguồn vốn bố trí cho dự án, công trình.

- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 5268/UBND-TH ngày 27/10/2021 về việc tăng cường công tác quản lý đấu thầu trong các dự án đầu tư và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn NSNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong công tác quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành (nhất là cấp huyện, xã); đẩy mạnh tuyên truyền vận động, giải thích để nhân dân hiểu, chấp hành chính sách pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án.

- Nâng cao chất lượng báo cáo giám sát đánh giá đầu tư dự án; thực hiện báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình dự án, thực hiện công tác nghiệm thu công trình theo quy định, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, kết quả tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tham mưu với Tỉnh ủy, HÐND tỉnh, UBND tỉnh về thực hiện các trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư công; phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định dự án; chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản do đơn vị làm chủ đầu tư.

 

* Ngày 12/11/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Thông báo số 155/TB-UBND thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng tại Phiên họp thứ 4 -UBND tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kết luận như sau:

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện quyết liệt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội,

Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

-  Các Sở, Ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021. Tiến hành rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, làm rõ nguyên nhân, đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

- Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: (1) Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. (2) Xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. (3) Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Đồng thời thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.

- Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Đôn đốc các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách đã đề ra; nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm đúng quy định. Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu…

 

* Ngày 12/11/2021, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 156/TB-UBND Kết luận của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh tại cuộc họp Ban An toàn giao thông tỉnh.

đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban ATGT tỉnh kết luận:

Trong 10 tháng đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh cùng với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm trên cả 03 tiêu chí. UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải - Cơ quan Thường trực Ban ATGT tỉnh trong thời gian qua đã tích cực, kịp thời phối hợp với Công an tỉnh tham mưu chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong những tháng cuối năm 2021, để tiếp tục duy trì trật tự ATGT, giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại một số nút giao và phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 03 tiêu chí theo mục tiêu của Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông và Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương khảo sát, nghiên cứu, thống nhất đề xuất giải pháp cải tạo các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm (ngã ba Mỏ Bạch, ngã tư Đồng Quang, đảo tròn Tân Long, nút giao nơi có đường sắt đi qua…); tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trước ngày 20/11/2021.

 

* Ngày 19/11/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND về việc phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2030.

Kế hoạch nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò; bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và các hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 

Đề ra các mục tiêu cụ thể, gồm:

- Tổ chức tiêm phòng vắc xin VDNC cho trên 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) tại thời điểm tiêm phòng.

- Chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh VDNC lây lan ra diện rộng nhằm giảm số ổ dịch VDNC trong các năm, cụ thể: Trên 85% số xã, phường, thị trấn không có bệnh VDNC trong 03 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh VDNC trong 03 năm tiếp theo và trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh VDNC trong 02 năm cuối thực hiện Kế hoạch.

- Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào địa 2 bàn tỉnh. Đặc biệt không để bệnh VDNC lây lan theo con đường vận chuyển buôn bán từ các tỉnh thành khác vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

- Phối hợp hiệu quả với các cơ quan của Trung ương và Tổ chức Quốc tế trong chẩn đoán, xét nghiệm, nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh VDNC để lựa chọn vắc xin triển khai tiêm phòng, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp và hiệu quả đối với tỉnh Thái Nguyên.

 

* Ngày 23/11/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 5820/UBND-CNN&XD về việc chấp thuận lắp đặt biển báo hiệu đường bộ trên một số tuyến đường, phố thuộc địa bàn thành phố Thái Nguyên.

UBND tỉnh có ý kiến như sau:

1. Cấm đỗ xe trên tuyến phố Đội Giá, các tuyến đường giao thông nối khu dân cư 1, 3, 4, 5 phường Đồng Quang với đường Việt Bắc.

2. Cấm các xe có tải trọng toàn bộ xe trên 5 t (năm tấn) lưu thông trên các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố: Hùng Vương, Nguyễn Du, Nha Trang, Phố 19-8.

3. Cấm các xe có tải trọng toàn bộ xe trên 5 t (năm tấn) lưu thông trên tuyến đường Đội Cấn, thời gian cấm: Sáng từ 6h30’ đến 8h30’, chiều từ 16h00’ đến 19h00’.

4. Giao UBND thành phố Thái Nguyên chịu trách nhiệm tổ chức lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Báo hiệu đường bộ QCVN 41: 2019/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

5. Giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra, hướng dẫn UBND thành phố Thái Nguyên tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ theo quy định.

 

* Ngày 28/11, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5953/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế ngoài công lập.

Giao Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã: 

- Căn cứ chỉ đạo của Bộ Y tế tại văn bản số 9830/BYT-DP ngày 19/11/2021 và văn bản số 9500/BYT-DP ngày 08/11/2021 (gửi kèm theo), tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm, hiệu quả đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19;  chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19 theo Bộ tiêu chí ban hành tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế; yêu cầu tất cả các cơ sở y tế đảm bảo vật tư, hóa chất, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch theo quy định.

- Có phương án huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia hỗ trợ nhân lực, thuốc, trang thiết bị... để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là hỗ trợ hoạt động tiêm chủng, tham gia công tác giám sát, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch như đối với các cơ sở y tế công lập; chuẩn bị sẵn sàng phương án và thực hiện các chế độ đối với nhân viên của cơ sở y tế ngoài công lập theo quy định hiện hành.

- Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hoàn thiện kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để vận hành Bệnh viện cấp cứu bệnh nhân nặng (ICU) khi có yêu cầu.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2472736