Giới thiệu về di tích lịch sử đình Cổ Lũng - đền Đầm Sơn
2024-11-09 16:53:00.0
Di tích lịch sử đình Cổ Lũng - đền Đầm Sơn được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên công nhận theo Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 20/01/2014 về công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Cổ Lũng - đền Đầm Sơn.
1. Tên gọi, khảo tả di tích.
- Di tích lịch sử đền “Đầm Sơn” toạ lạc trên núi Đầm Sơn thuộc xóm Cổ Lũng, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Đền “Đầm Sơn” là công trình kiến trúc được nhân dân địa phương xây dựng trên đỉnh núi Đầm Sơn để thờ công chúa Thiều Dung, bà là phu nhân của danh tướng Dương Tự Minh. Tên di tích được gọi theo tên địa danh, ngoài ra không có tên nào khác. Ngôi đền Đầm Sơn rộng 3 gian, với diện tích gần 100m2, xây theo lối nhà cấp 4 hiện nay, tường xây lợp ngói đỏ. Nội thất có ban thờ Tứ phủ công đồng - một tín ngưỡng nằm trong đạo mẫu ở Việt Nam. Phía sau chính điện là dãy ban thờ Hậu, thờ những người có công lao đóng góp tài lực xây dựng, tu sửa đền Đầm Sơn, lễ hội được tổ chức vào ngày 06 tháng giêng hằng năm.
Di tích lịch sử đền Đầm Sơn
- Di tích lịch sử Đình “Cổ Lũng” nằm ở vị trí trung tâm xóm Cổ Lũng, cách đền Đầm Sơn khoảng 300m về hướng nam. Đình “Cổ Lũng” là nơi thờ thành hoàng làng Cổ Lũng và cũng là nơi nhân dân địa phương sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng chung của làng. Trước năm 1945 đình làng Cổ Lũng còn được gọi là đình làng Cả. Hiện nay nhân dân thường gọi theo tên địa danh là đình Cổ Lũng. Đình Cổ Lũng được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, chính diện nhìn theo hướng đông nam. Ngôi đình ban đầu có kết cấu hình chữ “Đinh” hay còn gọi là hình chuôi vồ với ba gian, tổng diện tích hơn 90m2. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ngôi đình bị hư hỏng nặng, lễ hội đình không còn duy trì được. Sau năm 1980 nhân dân địa phương đóng góp nhân công, vật lực xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ với ba gian, tường xây mái ngói có diện tích 30m2, lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng hằng năm.
Di tích lịch sử đình Cổ Lũng
2. Chỉ dẫn đường đến di tích lịch sử Đình Cổ Lũng - đền Đầm Sơn.
Từ thành phố Thái Nguyên theo quốc lộ số 3 đi lên phía Bắc đến Km 10 + 150m, rẽ trái theo đường vào xóm Cổ Lũng, từ quốc lộ số 3 đi khoảng 400m là tới đình Cổ Lũng. Từ Km10 + 250m, rẽ trái khoảng 200m đến chân núi Đầm Sơn. Đi bộ từ chân núi lên tới đền khoảng 200m.
3. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng di tích đình Cổ Lũng - đền Đầm Sơn
Ngôi đình làng là hiện thân của văn hóa, ở đó có văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần (mà nay chúng ta gọi là văn hóa phi vật thể) cùng tồn tại và phát triển. Giá trị văn hóa phi vật thể của đình làng được thể hiện rõ qua việc duy trì, tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống theo đúng tập tục và các nghi thức cổ xưa. Lễ hội làng Cổ Lũng mang rất nhiều nét đặc trưng tạo nên vẻ đẹp rất riêng của địa phương.
Ngày sóc (mồng 1 âm lịch), ngày vọng (ngày 15 âm lịch/ngày rằm) bà con biện lễ oản, chuối, trầu, rượu tới làm lễ tại đình Cổ Lũng và Đền Đầm Sơn với lòng nhân ái, hướng thiện.
Theo lệ làng, ngày sinh ngày hóa của các vị thần không làm tế lễ gì. Các ngày tuần, tiết: 3 ngày chính Đán (tết nguyên đán); Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), Đoan Dương (5/5 âm lịch), Trùng thập (10/10 âm lịch) …. Các việc khác có làm lễ tại đình như: Lễ xin tránh chuyện ốm đau, nhà có việc cưới xin hay khao vọng, kỳ phúc…tùy theo điều kiện hoàn cảnh mà sắp lễ to nhỏ khác nhau chứ không nhất thiết theo quy định nào.
Đồ lễ thì dùng xôi, gà, thịt lợn, rượu, gạo, trầu cau, hoa quả, đường, mứt, bánh ngọt. Sau Cách mạng Tháng Tám/1945 thì cũng giản lược đi nhiều. Những việc chung thì bổ xuất hương ẩm trong làng để thu tiền rồi giao trưởng thôn sắm sửa lễ, sau khi lễ thì chia đều cho mọi người trong làng cùng thụ hưởng.
Trước đây những người được tham gia trực tiếp vào việc tế lễ là những vị có chức sắc trong làng như: Chánh, phó tổng; Chánh, phó hội; Lý trưởng, phó lý; xã dịch, trưởng thôn. Ngày nay do Ban quản lý đình và các cụ ông cao niên đức độ trong làng thực hiện.
Trước khi hành lễ 10 ngày thì người được dự việc tế lễ phải tắm gội, giữ thân thể sạch sẽ, kiêng ăn những thứ như hành, tỏi. Khi vào việc tế lễ thì chọn ra hai người trai tân, có đức có tài, nhanh nhẹn khéo léo để thắp hương. Trang phục tế lễ là áo thụng màu chàm. Ngày nay trang phục thường là áo the đen, khăn xếp, quần trắng.
Lễ hội chính của làng Cổ Lũng vào ngày 10 tháng Giêng, tháng khởi đầu cho một năm mới, việc tế lễ được bà con chuẩn bị chu đáo, kỹ càng hơn cả. Lễ hội được diễn ra vài ba ngày tùy theo từng năm. Phần lễ có: Lễ kỳ phúc, cầu phúc, cầu may cho dân làng, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, ăn nên làm ra, học hành hanh thông, đỗ đạt. Ở chùa, các cụ bà sắp mâm lễ cúng Phật sau đó mới tập trung ra sân đình dự lễ chung. Phần hội diễn ra với những trò chơi dân gian: Chọi gà, bịt mắt bắt dê, cờ người, cờ bàn… một số môn thể thao hiện đại cũng được đưa vào hội như: Bóng đá, bóng bàn…Trong những ngày lễ hội, cả một vùng rực rỡ màu sắc và rộn ràng những khúc hát cầu an, những ca từ ngợi ca quê hương, đất nước. Các lễ hội của vùng đất Phú Lương có từ rất xưa, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như lễ hội Đền Đuổm, đền Trình - Thị trấn Giang Tiên, đền Núi Đá Xô... lễ hội đình làng Cổ Lũng, đền Đầm Sơn cũng cùng chung nhịp chảy của văn hóa. Qua các dịp lễ hội, con người có cơ hội gặp gỡ, gần gũi nhau, cùng cầu mong mưa thuận gió hòa và những điều tốt lành trong cuộc sống. Lễ hội đình làng còn nhắc nhở mọi người luôn tự hào về một quá khứ hiển linh, cho dù trải qua bao năm tháng, tên đất, tên làng vẫn còn được lưu giữ, trường tồn mãi mãi./.
colung.phuluong.thainguyen.gov