Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân năm 2024

2024-04-29 12:18:00.0

Hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng. Chè kinh doanh đang trong giai đoạn phát triển - thu hái búp, cây ăn quả đang giai đoạn ra hoa - phát triển quả. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà sâu bệnh hại phát triển mạnh ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển quan trọng của cây. Để giảm thiểu tác hại của sâu bệnh đến năng suất cây trồng, phòng NN&PTNT huyện đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây màu vụ xuân năm 2024.
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của nắng nóng, ẩm độ cao, xen kẽ có những đợt mưa giông về đêm và sáng sớm, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại cây trồng phát sinh, phát triển gây hại trên diện rộng. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Người dân phải thường xuyên thăm khám đồng ruộng, phát hiện tình trạng sớm của sâu hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa, cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện ổ rầy, phun thuốc trừ rầy với những ruộng lúa có mật độ 40-50 con/khóm. Đối với sâu non cuốn lá theo dõi chặt chẽ diễn biến, xác định thời điểm sâu non nở, đặc biệt chú ý trên trà lúa Xuân giai đoạn đứng cái - làm đòng phun thuốc trừ sâu nếu thấy mật độ sâu non từ 20 con/m2 trở lên với lúa đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, 50 con/m2 trở lên với lúa đang đẻ nhánh, những ruộng có mật độ sâu cao trên 100 con/m2 phải phun kép 2 lần cách nhau từ 4 - 5 ngày. Đối với sâu đục thân, theo dõi diễn biến của sâu trưởng thành, mật độ ổ trứng và thời điểm sâu non nở đặc biệt trên những ruộng đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng - trỗ bông. Sử dụng thuốc hun trừ sâu đục thân cho những ruộng lúa có mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 (3 ổ/10m2), thời điểm phun khi sâu non mới nở, những ruộng có mật độ ổ trứng cao trên 1 ổ/m2 (10 ổ/10 m2) cần tiến hành phun kép 2 lần cách nhau từ 4 - 5 ngày. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié tiến hành phun thuốc phòng bệnh với những ruộng lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá và những ruộng xung quanh. Thời điểm phun khi lúa trỗ được 10% số bông trên ruộng hoặc sau khi lúa trỗ thoát, phun vào thời điểm hạt chấu khép. Đối với những ruộng bị bệnh đạo ôn lá hại nặng cần tiến hành phun kép 2 lần, lần 1: Trước khi lúa trỗ 1-2 ngày, lần 2: Sau khi lúa trỗ thoát. Sau khi phun thuốc nếu gặp mưa to cần phải phun lại. Đối với bệnh khô vằn, áp dụng tổng hợp các biện pháp chăm sóc cây khỏe, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện ổ bệnh, phun thuốc trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc trừ bệnh khô vằn hại lúa được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Sau khi phun thuốc 5-7 ngày, kiểm tra lại, nếu bệnh chưa dừng phải phun lại.
Để quản lý bọ cánh tơ và rầy xanh hại chè cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối hợp lý, dọn sạch cỏ dại, kết hợp tưới nước, tủ gốc giữ ẩm cho chè.… đảm bảo cây chè sinh trưởng phát triển tốt. Áp dụng kỹ thuật “Hái chạy” nếu đến lứa hái. Thường xuyên kiểm tra diễn biến rầy xanh, bọ cánh tơ trên các nương chè, xác định thời điểm rầy, bọ cánh tơ nở đặc biệt chú ý giai đoạn chè nảy búp đến trước thu hái 7 ngày, nếu thấy tỷ lệ búp bị hại từ 10% trở lên thì sử dụng thuốc phun trừ. Chú ý phun thuốc khi rầy, bọ cánh tơ còn non. 
Các hộ dân trồng cây ăn quả như nhãn, vải, na cần chủ động theo dõi những vườn cây đang trong giai đoạn phát triển lộc, nụ hoa, quả non, phát hiện kịp thời bệnh sương mai, thán thư, bọ phấn, bọ trĩ, tỉa bớt các chùm hoa quá dày, các nhánh hoa ở phần đầu và phần cuối chùm hoa, hướng dẫn nông dân phun phòng bệnh trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cũng cử cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại, dự báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng; UBND các xã, thị trấn tăng cường phối hợp để có các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời, hiệu quả để không ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất sản lượng cây trồng./.

Tin và ảnh: Hoàng Hiền



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2475172