Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Cổ Lũng tổ chức hội nghị hướng dẫn lập danh sách cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

2021-03-19 16:56:00.0

Ngày 17/3/2020, tại hội trường Trung tâm học tập cộng đồng xã, Ủy ban nhân dân xã Cổ Lũng tổ chức hội nghị hướng dẫn lập danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Toàn cảnh hội nghị

Theo đó việc lập, niêm yết danh sách cử tri thực hiện theo quy định tại các điều 2, 29, 30, 31, 32, 33, 34 Luật số 85/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

1. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử (Điều 2- Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân)

Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

2. Nguyên tắc lập danh sách cử tri (Điều 29- Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân)

- Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

- Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri  (Điều 30 – Luật bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND).

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

- Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định tại Điều 29 của Luật này.

- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Cử tri được quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

4. Việc lập danh sách cử tri cần chú ý một số điểm sau

- Lập danh sách cử tri tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên, là những người sinh ngày 23/5/2003 trở về trước.

- Họ và tên cử tri (VIẾT CHỮ IN HOA) và xếp theo hộ gia đình, tên chủ hộ xếp lên đầu. Các hộ xếp theo thứ tự từ đầu xóm đến cuối xóm hoặc theo một thứ tự thích hợp với đặc điểm của địa phương.

- Cần ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh.

- Đánh dấu (X) theo giới tính của cử tri.

- Ghi rõ dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán dìu ….

- Ghi rõ: Cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bộ đội, công nhân, nông dân, nội trợ, hưu trí…

- Ghi rõ địa chỉ thường trú hoặc tạm trú nơi cử tri đăng ký thực hiện quyền bầu cử.

5. Việc thực hiện niêm yết danh sách cử tri (Điều 32 – Luật bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND)

Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại nhứng điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đông thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra./.

Nguồn: colung.phuluong.thai nguyen.gov.vn



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2474866